Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

quốc tế lao động 1/5


Ngày Quốc tế lao động, ngày hội của những người lao động toàn thế giới, được tổ chức vào 1-5 hàng năm.
Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản.Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9-1866 vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh – nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.
Tháng 4-1884 tại thành phố công nghiệp lớn Si-ca-gô, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 1-5-1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.
Ngày 1-5-1886, công nhân toàn thành phố Si-ca-gô tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình.
Mặc dù cuộc bãi công ở Si-ca-gô bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Si-ca-gô. Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Ngày 1-5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1-5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1-5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Ở Bình Định, ngày Quốc tế lao động được công nhân lao động coi như ngày hội của mình. Tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế lao động 1-5 hàng năm đã trở thành hành động đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống áp bức bóc lột, đòi hòa bình độc lập dân tộc của công nhân lao động, tạo nên những dấu ấn của lịch sử. Ngày 1-5-1930 hàng trăm công nhân các ngành nghề ở Quy Nhơn và Hoài Nhơn xuống đường rải truyền đơn, treo cờ Đảng; đòi giảm giờ làm, tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế, nợ lãi cho nông dân nghèo.
Ngày 1-5-1969, hơn 400 lao động ở Quy Nhơn đòi nghỉ làm việc trong ngày Quốc tế lao động. Sau đó 4.000 công nhân lao động và học sinh xuống đường biểu tình tuần hành từ Khu I đến Khu VI biểu dương lực lượng, phản đối quyết liệt bọn Mỹ giết hại nhân dân trong tỉnh.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, ngày 1-5 vừa là điểm hẹn vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương của công nhân lao động tỉnh nhà.
Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

chia tay nhớ cấp II yêu dấu



Khi những cánh phượng bung nở sắc đỏ, nhưng chú ve con tấu lên bản giao hưởng mùa hè, cũng là lúc các cô cậu học sinh phải lưu luyến chia tay mái trường, thầy cô bạn bè. Nếu các em lớp 6,7,8 là tạm chia xa thì các anh chị lớp 9 lại là sự giã từ ngôi trường mến yêu của mình gắn bó trong suốt thời gian qua, giã từ một đoạn đời vô tư trong sáng và đẹp nhất của mình, để bước sang một trang đời mới nhiều gian nan thử thách. Hôm qua còn bỡ ngỡ bước vào trường, hôm nay đã…Chỉ còn vài giây phút này được gần nhau nữa thôi, ngày mai sẽ phải chia xa vĩnh viễn ! Những khó khăn nào, những thử thách nào đang chờ ta ở phía trước ! Ôi chỉ thoáng nghĩ đến đó thôi là tim ta rung lên thổn thức, mắt ta đã rưng rưng ngấn lệ.  Trời đột ngột đổ cơn mưa nhẹ làm cho sân trường đượm màu giã biệt. Góc này cô trò tâm sự dặn dò ; góc kia vội nháy một vài kiểu ảnh để cùng nhau khắc ghi những ngày tháng bên nhau ; rồi lại ôm nhau vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào. Cười đấy nhưng cũng khóc đấy ; nước mắt nụ cười ngập tràn sân trường trong giờ phút chia xa
Ai cũng phải lớn lên, trưởng thành, rời tổ ấm để đi đến những chân trời mơ ước. Đó là qui luật của muôm đời. Chia tay ngày hôm nay để ngay mai ta gặp lại nhau trong một cương vị mới : trưởng thành hơn, thành đạt hơn. Những kỉ niệm êm đềm hạnh phúc của tuổi ấu thơ cắp sách tới trường ; những nụ cười và giọt nước mắt của tình bạn tình thầy trò của ngày hôm nay sẽ là hành trang theo ta bước vào tương lai, dù cho phía trước còn nhiều chông gai bão tố
Chia tay hôm nay để ngày mai gặp mặt !
Chia tay hôm nay để vững vàng hướng tới tương lai !

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Hội trại chào mừng tháng ba lịch sử trường THCS Lý Tự Trọng

CHỢ QUÊ CỦA LỚP 9/7

*******************


QUÁN BÀ CỬU TƯ ^^
QUÁN BÀ NHỊ RUỒI !
**********
THI NGHI THỨC & MHTT

THI CẮM HOA
********
SINH HOẠT TẬP THỂ













***********************

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Chiếc áo ngày xuân

Chiếc áo ngày xuân.
Trời Sài Gòn bắt đầu se lạnh, những cơn gió nhè nhẹ như báo hiệu một mùa xuân nữa lại về trên khắp mọi nẻo đường. Mới đó mà đã mười mấy mùa xuân trôi qua. Và cứ mỗi lần như thế tôi lại nhớ tới ba, nhớ tới những kỉ niệm của những ngày tuổi thơ đầy vất vả và nhớ cả những mùa xuân tuy thiếu thốn bộn bề nhưng chan hòa hạnh phúc.
Tết ngày ấy, những chiếc bánh chưng cũng trở thành xa xỉ với gia đình tôi. Chắt chiu lắm mẹ cũng chỉ mua được vài lạng thịt, vài củ khoai, cái bánh…làm thức ăn cho ba ngày Tết. Thế ấy mà Tết năm nào chị em tôi cũng háo hức lắm.
Thường thì chị em tôi quen đón Tết với những bộ quần áo cũ bởi cái ăn còn thiếu thì bố mẹ lấy đâu ra tiền mà mua đồ cho các con. Chúng tôi cũng biết điều đó nên cũng không bao giờ trách ba mẹ cả. Thương con nên ba mẹ làm nhiều hơn ngày trước. Tôi không thể nào quên được mùa xuân tôi tròn tám tuổi. Đêm nào ba cũng thức đêm ra những bờ suối cất từng con tôm con cá mang ra chợ bán. Số tiền dành dụm được ba để dành mua quần áo mới cho con. Và năm đó cũng là năm chị em tôi có những bộ quần áo mới đi khoe với bạn bè.
Nhà tôi cách chợ 20 km. Sáng ba mươi tết ba lọc cọc trên chiếc xe đạp đi chợ từ sáng sớm. Chị em tôi háo hức ở nhà chờ ba. Đến tận trưa ba mới về. Ba đưa cho chị một bộ áo đẹp. Nhưng tôi đợi mãi vẫn không thấy đồ mới của mình đâu. Tôi đã khóc và giận ba lúc đó trong suy nghĩ tôi nghĩ ba chẳng thương tôi. Tôi hằn học rồi bỏ ra hiên ngồi một mình.
Một lúc sau tôi thấy ba vội vàng chạy ra cửa dắt xe đi đâu. Lúc đó ba có vẻ gấp gáp lắm. Tới tận tối mịt ba mới về. Mải chơi với những đứa bạn cùng xóm tôi chẳng còn ngóng ba nữa.
Về đến nhà, ba chưa kịp lau những giọt mồ hôi đang chảy vội trên chiếc áo sơ mi đã sờn màu và có vài miếng vá. Ba gọi tôi lại và nhẹ nhàng nói: Đồ mới của con đây. Hôm nay ba đi khắp chợ mới tìm được bộ váy vừa với con. Ba mua xong rồi nhưng vì tiệm đông khách quá nên cô chủ bỏ đồ của chị mà  quên đồ của con.Ba cứ tưởng không tìm lại được nhưng rất may cô chủ tốt bụng đã cất giùm. Năm nay con gái có đồ mới rồi đó. Sang tuổi mới phải học giỏi, chăm ngoan sang năm ba lại mua cho nữa nhé…
Nói xong rồi ba lấy trong bọc ra một bộ váy nhung màu đỏ trông rất đẹp. Tôi chợt nhớ Tết năm ngoái đi chúc Tết cùng ba thấy cô bạn mặt bộ váy đó mà tôi cứ ngẩn người đứng nhìn. Trong mơ tôi cũng không ngờ mình lại  có ngày sở hữu chiếc váy ước ao ấy. Nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy tôi vui thì ít mà thấy có lỗi với ba thì nhiều. Ba hỏi: con có thích chiếc váy này không? Tôi dạ dạ mà trong lòng thấy mình có lỗi với tấm lòng của ba quá. Tại sao suy nghĩ của tôi lại nông nỗi và bồng bột như thế. Tôi thấy thương ba quá!
Cuộc sống gia đình tôi khó khăn lại đông anh em nên ba mẹ tôi cực khổ lắm. Ba mẹ tôi thường xuyên nhịn đói để nhường cơm cho mấy chị em tôi. Chúng tôi vẫn có những bữa cơm trắng, những miếng thức ăn ngon trong khi ba mẹ phải trồng thật nhiều khoai mỳ rồi cắt ra phôi khô để dành nấu lên ăn thay cơm.
Dù cuộc sống có bao khó khăn nhưng ba mẹ vẫn lo cho chị em tôi học tới nơi tới chốn. Tôi đậu đại học ngay năm đầu tiên trong niềm hạnh phúc của gia đình. Lên Sài Gòn học tôi bắt đầu học và làm để ba mẹ bớt phần lo lắng.
Cũng chính cuộc sống nghèo khó, tình yêu thương của ba mẹ dành cho con là động lực lớn nhất để chúng tôi vững bước vào đời. Bây giờ, chị em tôi đã khôn lớn và thành đạt, ba mẹ cũng đã già. Cuộc sống bộn bề lo toan nơi đất khách quê người. Đôi khi, tôi lại quên mất ba  mẹ đang mỏi mòn ngóng đứa con xa xứ trở về. Chiếc áo năm nào của tôi ba vẫn còn cất trong tủ. Tôi biết tình thương bao la mà ba dành cho chúng tôi. Bây giờ, tôi chỉ muốn chạy một mạch từ Sài Gòn về nhà để được ba ôm vào lòng. Tôi thèm lắm cái cảm giác ngày nào, nhớ lắm hơi thở mặn mùi mồ hôi bởi những lo toan vất vả của ba. Chiếc xe cọc cạch của ngày nào giờ không còn nữa nhưng tình cảm của gia đình thì mãi mãi… trong tôi.
 Con yêu ba mẹ nhiều lắm

các phong trào trường phổ biến

- Tham gia phòng trào kế hoạch nhỏ: nộp giấy vụn.
- Tham gia ủng hộ cây cảnh.
- Quỷ tiếp sức đến trường.
- Hội chữ thập đỏ.
- Quỷ chất độc màu da cam.
- Mua tăm ủng hộ người nghèo.
- Báo tường.
- Quỷ ủng hộ Trà Can- Trà My.
- Khuyên góp áo quần cũ cho nhân dân miền núi.

thành tích học tập sau kì thi HKI

Sau thời gian tổ chức cuộc thi HKI thì lớp 9/7 đã rất vui khi nhận được kết quả hết sức đáng tự hào:
- 100% số học sinh tham gia kiểm tra định kì.
- 100% không vi phạm quy chế thi.
Và tiêu biểu như:
- Bạn Lê Thị Anh Thư đã đạt 4 điểm 10.
- Bạn Nguyễn Đức Thanh Bình đạt 4 điểm 10.
- Bạn Ngô Thị Tuyết Hồng Chi đạt 3 điểm 10.


bài học về lòng tự trọng

Cánh bèo trôi nổi đưa tôi trôi dạt nhiều nơi, khắp chốn rồi neo lại ở một góc nhỏ của thị trấn miền biển cuối trời tổ quốc! Chiều nay, những cánh cò miền tây đậu trắng bờ vuông tôm đưa tôi về vùng Kinh Bắc xa xôi, nơi tuổi thơ tôi từng trôi qua nhẹ êm như nhịp thở, ngọt ngào và ấm áp như câu chuyện cổ tích bà kể cho chị em tôi mỗi khi mẹ vắng nhà tần tảo ngược xuôi theo những chuyến buôn may rủi.
Tôi nhớ mẹ tôi  lắm, mẹ tôi đã đi về miền xa thẳm đã ngót nghét hơn 5 năm nay. Nhớ cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà tôi hai bên lối đầy cây xoan. Nhớ ngôi nhà nhỏ của mẹ con tôi có mảnh vườn mẹ trồng bao nhiêu là thứ rau xanh. Nhớ góc vườn bé tí của tôi 4 mùa nở hoa dù ngày đông tháng giá hay mùa hè rực lửa… Ngày ấy chúng tôi vẫn còn ở làng Dục Quang, Thị trấn Bích Động, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang.
Mẹ hay chải tóc trước hiên nhà, tóc mẹ mượt mà trộn lẫn hương hoa. Ngồi học trong nhà, mỗi lúc nhìn mẹ chải tóc tôi cứ  ngẩn ngơ nhìn. Mẹ tôi đẹp lắm, mắt to tròn với hàng mi vút cong, môi thắm đỏ nhỏ nhắn, dáng cao cao thon thon… Tôi cứ ước sau này lớn lên mình đẹp như mẹ.
Tôi chưa thấy ai khổ như mẹ tôi. Cuộc đời bé mọn của mẹ tôi bị sóng gió cuộc đời xé cho tơi tả như cái tàu lá chuối sau cơn bão động. Mẹ tần tảo sớm nắng chiều mưa ngược xuôi với những chuyến buôn ngô, khoai, sắn, lạc… Cuộc mưu sinh vất vả mẹ lặn lội như cái cò, cái vạc, cần mẫn như con ong, cái kiến.. Cách mẹ dạy chúng tôi cũng lạ lùng hơn các bà mẹ khác. Mẹ treo một ngọn roi mây ở góc nhà nhưng chưa bao giờ mẹ đánh chúng tôi. Mẹ dạy chúng tôi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh và sự tự lập.
Có lần tôi và Trung đi kiếm rau lợn ở cánh đồng ngô trên bãi Sông Lô. Cánh đồng tới mùa ngô mẩy hạt căng sữa. Nghĩ đến những bắp ngô ngát hương, ngọt bùi, nóng hổi vừa chín tới tôi bỗng thèm không tả nổi và nẩy ra lòng tham ăn trộm ngô. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn trộm thứ không phải của mình: Tôi đã bẻ 6 bắp ngô! Mang ngô về nhà tôi hí húi lột vỏ bỏ vào nồi, hai chị em định nhúm lửa thì mẹ về. Mẹ hỏi: 
- “Ai cho con ngô?”
Tôi chưa kịp nói dối thì út Trung đã líu lo: 
- “Chị Hà bẻ trộm của người ta đấy mẹ ạ. Mẹ yên tâm không ai nhìn thấy chị ấy ăn trộm.” 
Mẹ quát như muốn khóc: 
“Ai cho con làm thế hả Hà? Ai cho con tập cho em ăn trộm. Cái thứ ăn trộm xấu xa lắm con biết không?”. 
Mẹ cầm roi mây vung lên, tôi oà khóc nhưng mẹ không đánh mà buông thỏng làm rớt chiếc roi… Mẹ vớt mấy bắp ngô bỏ vào một cái rá tre rổi bảo tôi theo mẹ. Mẹ dắt tôi đến nhà chủ đồng ngô xin lỗi người ta rồi trả tiền mấy bắp ngô. Chủ nhà tốt bụng sởi lởi chẳng nỡ mắng mỏ còn bênh tên ăn trộm là tôi. Họ còn cho thêm độ mươi bắp ngô nhưng mẹ nhất định không nhận mà xin mua mấy chục ngô, mẹ bảo: 
“Cám ơn các bác, tôi phải dạy lại cháu. Các bác thông cảm con dại cái mang”.
Về nhà mẹ không mắng nữa mà chụm lửa luộc ngô gọi 3 chị em ngồi trên chiếc chiếu hoa dưới dàn thiên lý râm mát kể chuyện cho chúng tôi nghe chờ ngô chín. Mẹ vừa kể vừa khóc, 3 đứa tôi vừa nghe vừa khóc, tôi cứ bó gối khóc rấm rứt mãi… Chuyện kể về một chú bé mồ côi.
Ngô chín mẹ chọn những bắp ngon nhất bóc vỏ, thổi cho bớt nóng rồi phát cho từng đứa rồi rót nước luộc ngô vào một cái ca to, mẹ bảo uống nước ngô vừa mát vừa ngọt. Buổi trưa hôm ấy tôi đã được ăn những bắp ngô ngon nhất trong đời, tôi đã thấm thía lời mẹ dạy sống thế nào cho kiêu hãnh, trong sạch. Đó cũng là bài học đầu tiên về lòng tự trọng mà mẹ dạy cho chúng tôi mà suốt bao năm nay cho đến khi chị em chúng tôi quấn quýt bảo bọc nhau rồi dắt díu nhau từ Bắc Giang lập nghiệp mãi tận đất Mũi Cà Mau, chúng tôi vẫn sống như những gì mẹ dạy theo ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc đời này cho dù mẹ tôi không còn nữa.!